Chúng ta thường tự đánh giá kỹ năng giao tiếp xã hội của mình thông qua những cuộc trò chuyện. Nếu thấy nó diễn ra tốt đẹp với mình thì tự động nghĩ là đối phương cũng cảm thấy tốt. Mặc dù bạn có thể chưa bao giờ ý thức về điều này, nhưng mỗi khi có một khoảng thời gian trò chuyện vui vẻ với ai đó, bạn sẽ nghĩ rằng họ cũng thấy vui như vậy. Nhưng sự thật không hẳn là thế. Sau khi nói chuyện, có thể bạn sẽ rời đi với cảm giác tuyệt vời, nhưng người còn lại thì chỉ thấy khó chịu, buồn chán hoặc nặng nề.
Thường thì trong những tương tác lệch lạc này bạn đã nói rất nhiều về bản thân và sở thích của mình. Hành động này khiến chúng ta thích thú và vui vẻ. Ai cũng thích nói về bản thân mình! Tuy nhiên, đối phương lại không nói được bao nhiêu câu về họ, rồi sau đó, họ rời đi mà không có sự tương tác thông tin tương xứng. Làm chủ một cuộc trò chuyện chỉ đơn giản bằng cách nói thật nhiều thì chắc chắn là không có duyên chút nào rồi, nhưng kiểu tương tác một chiều tệ nhất là khi bạn độc thoại không cho người ta nói thay vì đối thoại với họ.
Mục lục
Đối thoại và độc thoại
Valerie White và (cựu khách mời podcast của AoM) Ann Demarais, tiến sĩ tâm lý học và tác giả của quyển sách First Impressions (Những ấn tượng đầu tiên) định nghĩa “độc thoại” là “buộc người khác phản ứng thay vì tương tác”. Nó thể hiện ra khi một bên đảm nhận vai trò người kể/người quản trò, còn bên kia buộc phải đóng vai trò khán giả. Làm khán giả xem thứ mình thích và mong đợi (ví dụ như xem phim) thì thú vị, nhưng làm khán giả trong khi trò chuyện trực tiếp mặt đối mặt thì chẳng ai mong muốn. Cảm giác lúc này thật sự buồn tẻ và khó chịu bởi vì vai trò của họ quá thụ động. Đối thoại là sự cố gắng hợp tác một cách khéo léo, giống như một bản nhạc giao hưởng, ai cũng thấy hài lòng khi tham gia, đóng góp và sáng tạo. Họ không muốn xem và vỗ tay.
Các hình thức phổ biến của “độc thoại”
Demarais và White đã mô tả 4 hình thức phổ biến của “độc thoại”, mỗi kiểu đều có thể được biến đổi để giúp bạn có thể đối thoại với người khác:
Giảng bài
Khi bạn bật chế độ giảng bài, bạn đang truyền đạt sự thật theo một cách rất phiến diện. Mặc dù muốn nói với người ta điều gì đó, nhưng lại không mong chờ hoặc khuyến khích người đó đưa ra phản hồi nào. Họ là khán giả thụ động cho kho kiến thức của bạn. Người giảng bài hẳn là cảm thấy rất tuyệt vời vì nghĩ rằng chỉ có mình biết và chia sẻ những thông tin mà không ai khác biết. Nhưng người nghe lại chỉ thấy bạn thật nhàm chán và ra vẻ ta đây.
Cách chia sẻ kiến thức với người đang nói chuyện cùng bạn:
Hãy nói về các chủ đề mà bạn và người đó đều quan tâm và để ý các dấu hiệu cho thấy họ đang tham gia vào cuộc đối thoại như là nói “Uh-huh”, gật đầu hay nói những câu như “Cái đó nghe hay á”. Nếu như không có những tín hiệu như vậy, hãy dừng cuộc độc thoại của bạn lại. Cho dù bạn có thấy những dấu hiệu đó thì thỉnh thoảng cũng hãy tạm dừng để xem liệu người kia có muốn trả lời, thêm điều gì đó hoặc có câu hỏi hay không. Nếu họ không chêm vào bất cứ điều gì, thì bạn nên kết thúc và thay đổi chủ đề luôn.
Ngoài ra, cách bạn giới thiệu một chủ đề cũng rất quan trọng. Demarias và White giải thích rằng:
“Dấu hiệu cho thấy đang giảng bài là việc sở hữu thông tin tuyệt đối của người nói. Khi bạn trình bày một điều gì đó mà chỉ mình bạn biết, bạn cứ nghĩ là trông mình rất thông minh nhưng thực ra lại có vẻ khoa trương và tự cao tự đại. Ngược lại, khi bạn đề cập đến lý do biết được thông tin đó – ví dụ như ‘Tôi đã đọc một bài xã luận trên báo nói rằng …’ – hay nguồn gốc ý tưởng của bạn – như kiểu ‘Tôi đã xem cái đó trên TV và nghĩ là…’-thì bạn đang cho đối phương thấy sự cởi mở và khiêm tốn của mình.”
Khi bạn nói rằng “Tôi đã nghe/đọc X hôm trước”, mọi người không cảm thấy như bạn đã áp đặt ý kiến về nó mà đang mở ra một cuộc đối thoại về chủ đề này. Như vậy sẽ khiến đối phương nói ra suy nghĩ của họ và tham gia trò chuyện với bạn.
Kể chuyện
Nghịch lý của những câu chuyện là chúng vừa có thể là hình thức giao tiếp hấp dẫn nhất vừa có thể là hình thức giao tiếp nhàm chán nhất. Một câu chuyện hay có thể giải trí, thu hút và tạo ra kết nối. Nhưng như Demarias và White quan sát, các câu chuyện có thể dễ dàng đi trật đường ray khi vừa ‘dài, vừa nhiều chi tiết, và toàn nói về những người mà người đang trò chuyện với bạn không hề quen biết”.
Vậy làm cách nào để chia sẻ câu chuyện với đối phương trong khi giao tiếp?
Chúng ta rất dễ rơi vào con đường kể chuyện dở tệ vì ta thường nghĩ rằng các nhân vật và sự kiện trong câu chuyện nho nhỏ đó có vẻ rất thú vị và hấp dẫn. Bạn bè, con cái và sếp hiện diện trong cuộc sống của chúng ta. Ta có thể hình dung một cách sinh động nét mặt của họ và nắm được bối cảnh để hiểu tại sao hành vi của họ lại dễ thương/hài hước/thái quá. Nhưng chúng ta lại khó mà nhận ra rằng khi không có những bối cảnh này thì người khác sẽ không thấy những người đó hay nơi đó hấp dẫn như ta thấy.
Điều này cũng giống như việc bạn quan tâm đến câu chuyện về cầu thủ NBA yêu thích của mình, nhưng không quan tâm đến tin tức về một vận động viên chuyên nghiệp Trung Quốc nào đó mà chưa từng nghe nói đến. Trừ khi câu chuyện có liên quan đến các trải nghiệm chung (như luyện tập cho cuộc đua, đối phó với ông chủ tồi, hay gặp phải tai nạn nào đó) hoặc có liên quan trong một khía cạnh nào đó với cuộc sống của người khác. Nếu không thì sẽ khiến đối phương chán đến tận cổ với câu chuyện của bạn.
Ngay cả khi một câu chuyện có bao gồm những yếu tố đó (đề cập đến trải nghiệm chung của con người; kết nối với cuộc sống của người khác), bạn vẫn nên nói thật ngắn gọn và đi vào trọng tâm. Hãy chia nhỏ câu chuyện, quan sát xem người đối diện có quan tâm hay không, có hỏi những câu như “Bạn đã quyết định làm gì?” hay “Lúc đó anh ấy phản ứng thế nào?” trước khi tiếp tục. Khi câu chuyện trở nên dài lê thê nghĩa là bạn đã biến đối phương từ một người đang giao tiếp thành một khán giả ngồi xem một cách thụ động thay vì chủ động tham gia vào câu chuyện.
Thuyết giáo
Thuyết giáo là khi bạn đang cố gắng thuyết phục ai đó đồng ý với quan điểm của mình. Các chủ đề thường xoay quanh vấn đề đạo đức, tôn giáo hoặc chính trị. Mặc dù kiểu trò chuyện này có thể là bình thường với bạn bè lâu năm hoặc gia đình bạn, những người thích tranh luận sôi nổi và hay nói , nhưng với những người mới quen thì không nên bật chế độ này. Vì họ không biết nhiều về bạn nên sẽ không thể hiểu được bối cảnh câu chuyện và nhận ra được bạn còn nhiều điều hay ho khác hơn là chỉ có sự sốt sắng với một vấn đề cụ thể nào đó. Họ sẽ dễ trở nên phòng thủ hay chán ghét hoặc là khó chịu.
Vậy làm thế nào để một cuộc thảo luận có ý nghĩa với người đang nói chuyện cùng bạn?
Bạn không cần phải cứng nhắc tuân theo những lề thói cũ về việc tránh nói đến chính trị, tôn giáo và tiền bạc, ngay cả với những người vừa quen biết cũng vậy. Miễn là bạn tuân theo một số nguyên tắc mà chúng tôi đưa ra ở đây, bạn sẽ có một cuộc thảo luận chứ không phải là một cuộc tranh luận với đối phương.
Một cây bút giỏi đã phân biệt như sau:
“Trong một cuộc thảo luận, điều bạn tìm kiếm là sự thật, còn trong một cuộc tranh luận, bạn muốn chứng minh rằng mình đúng. Do đó, trong khi thảo luận, bạn nóng lòng muốn biết quan điểm của đối phương và lắng nghe họ nói. Còn trong khi tranh luận, bạn không quan tâm đến ý kiến của người đó mà chỉ muốn người ta nghe ý kiến của mình.”
Demarias và White lưu ý rằng khi bạn muốn thuyết giáo ai đó, trong đầu sẽ vang lên thông điệp là ‘bạn sai và tôi đúng.” Ngược lại, khi thảo luận với họ, bạn tìm hiểu xem tại sao họ nghĩ như thế, ý kiến của hai bạn khác nhau ở đâu, và điểm chung của hai bạn là gì.
Kể chuyện cười.
Một trong những phẩm chất tuyệt nhất là có khiếu hài hước. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Hài hước ở mức độ vừa phải sẽ tạo nên ít nhiều ‘giai điệu’ cho cuộc trò chuyện, nhưng nếu hài hước quá đà thì nó sẽ biến thành màn trình diễn solo của một người. Nó biến người nói thành người làm trò cho vui, còn người nghe thành khán giả. Thay vì tương tác, người thứ hai buộc phải phản ứng với những câu nói châm biếm và dí dỏm không ngớt. Họ sẽ thấy chán với vai trò đó một cách nhanh chóng.
Kể chuyện cười.
Chuyện cười là gia vị của một cuộc trò chuyện chứ không phải là món ăn chính. Thay vì chêm vào mọi thứ bạn nói với một lời châm biếm, chỉ cần thêm vài câu ở chỗ này chỗ kia trong khi trò chuyện và hãy thể hiện sự quan tâm chân thành đến người kia.
Demarias và White lưu ý rằng một khi bạn đã thông thạo phương thức giao tiếp xã hội thì “cách bạn nói về các chủ đề quan trọng hơn những lời bạn nói về nó. Bạn có thể làm cho một vấn đề đạo đức hấp dẫn trở nên nhàm chán nếu chỉ đơn giản là giảng giải cho ai đó về nó. Mặt khác, bạn có thể biến sở thích máy bay mô hình của mình thành một chủ đề trò chuyện thú vị nếu bạn nói về nó một cách vui vẻ và hấp dẫn ”.
Để tránh biến những cuộc trò chuyện của bạn trở thành những cuộc độc thoại một chiều, hãy đưa ra các chủ đề mà bạn và đối phương đều quan tâm và xem thử người đó muốn nói về điều gì. Hãy tưởng tượng nó giống như các cầu thủ bóng chuyền đánh bóng qua lại trên lưới. Hãy cho đối phương thấy bạn là người tò mò, cởi mở và quan tâm đến trải nghiệm và quan điểm của người khác. Hãy tương tác thay vì khiến người đối diện chỉ phản ứng với những gì bạn nói và làm. Hãy cùng nhau tạo ra một rạp hát nho nhỏ/ một cuộc đối thoại/một hội nghị chuyên đề/hay một vở hài kịch, thay vì để họ chỉ biết đứng xem bạn độc thoại từ đầu tới cuối. Hãy tạo ra một điều gì đó đặc biệt với những người bạn gặp được trong cuộc sống.