Sài Gòn, ngày 17 tháng 5 năm 2023.
Một buổi sáng đầy nắng và không có tí gió nào, mình tình cờ được chiêm nghiệm một phần nào đó về “Tự Trọng”. Cũng là một bài viết chia sẻ những kiến thức mà mình đã suy nghĩ về Tự Trọng và một số kinh nghiệm, bài học nhận được từ một số tình huống, một số người “Thầy” trong cuộc sống và cả trong công việc. Bài viết này mình hoàn thành trong thời gian khá ngắn, hẳn là vì mình đã suy nghĩ về vấn đề này khá lâu về trước. Tuy là chia sẻ nho nhỏ nhưng mình hy vọng bài viết sẽ giúp đỡ được phần nào cho các anh em đang thắc mắc (hoặc đang nghiên cứu) về đức tính này giống như mình.
Mục lục
Tự trọng là gì?
Lòng tự trọng là cách chúng ta nhận thức về giá trị của bản thân. Lòng tự trọng được hình thành trên quan điểm và niềm tin chắc chắn của chúng ta về bản thân.
Tầm quan trọng của tự trọng đối với con người ?
“Tốt danh hơn lành áo”
Không phải ngẫu nhiên mà câu tục ngữ trên luôn được ông cha ta nhắc đi và lớp trẻ nhắc lại từ xưa đến nay. Đầu tiên cần xác định lòng tự trọng là một đức tính quan trọng đối với mỗi con người. Tuy nhiên, không có lòng tự trọng, lòng tự trọng quá cao hoặc quá thấp lại là một tính xấu.
Lòng tự trọng tiếp thêm sự tự tin và động lực lớn lao cho con người đương đầu với những khó khăn qua việc biết được giá trị của bản thân. Từ việc biết được giá trị của bản thân mà ta sẽ biết được cách tôn trọng bản thân và người khác. Từ việc học được cách tôn trọng bản thân và người khác mà ta sẽ được nhiều người khác tôn trọng.
Tự trọng gắn liền với sự tôn trọng, theo tháp nhu cầu Maslow thì nhu cầu được tôn trọng nằm ở tầng thứ 4 của tháp nhu cầu. Xếp trên các tầng về nhu cầu sinh lý (ăn, uống, nghỉ ngơi,…), nhu cầu an toàn (có cảm giác an toàn về sức khỏe, gia đình, tài sản…), nhu cầu giao lưu tình cảm và được thuộc về (nhu cầu được yêu thương, bạn bè, thuộc về cộng đồng nào đó,…). Con người luôn bận tâm tới các nhu cầu ở 3 tầng thấp hơn (như kể ở trên) và vì nó liên quan đến sự sinh tồn của bản thân, tuy nhiên con người không sống chỉ để thỏa mãn những nhu cầu ở tầng thấp đó (nếu chỉ để thỏa mãn nhiêu đó thì tháp nhu cầu chỉ có 3 tầng). Chúng ta còn sống để được tôn trọng, và mong muốn giá trị của bản thân được công nhận.
Tầm quan trọng của tự trọng đối với một quý ông ?
Chắc chắc tự trọng là một đức tính rất cần thiết nếu bạn đang trong quá trình để “trở thành một quý ông”. Tầm quan trọng của tự trọng đối với mọi người thì mình có đề cập ở trên, nhưng còn đối với một quý ông thì sao?
Tự trọng theo mình là đức tính cần thiết đầu tiên (xin nhấn mạnh từ đầu tiên) trong hành trình trở thành một quý ông. Tầm quan trọng và cả khái niệm của đức tính này là lý do mà mình nhấn mạnh từ cần thiết đầu tiên. Đã muốn trở thành một quý ông, thì phải biết – hiểu được chính giá trị của bản thân mình trước tiên. Sau khi đã biết dù ít hay nhiều được giá trị của bản thân, bạn mới vẽ ra được các lộ trình cải thiện bản thân. Lúc bạn hiểu được giá trị của bản thân là lúc bạn không cho phép người khác được quyền xúc phạm tới những giá trị đó. Bằng cách nào ? Bằng cách xây dựng, bù đắp những giá trị mà bản thân mình thiếu sót. Sửa đổi, lược bỏ những cái tôi quá lớn, cái sai sót mà bạn nhận ra.
Có được lòng tự trọng, trong quá trình “nhận ra được giá trị của bản thân” bạn sẽ biết được cách “đối phó tích cực” với những giá trị chưa hoàn thiện của mình. Chứ không để bị bản thân bước nhầm vào con đường của “tự ái” “tự cao”.
Tự trọng cần cho đối tượng nào ?
Tự trọng sẽ xuất hiện khi con người nhận ra được giá trị của bản thân mình. Nhưng tự trọng cũng cần được giáo dục, mài dũa, học hỏi để không bị “biến chất” thành tự ái hay tự cao.
Tự trọng là một đức tính mà bất kì ai cũng cần, có nghĩa lòng tự trọng không phân biệt giai cấp, giới tính, độ tuổi. Còn lý do cần tự trọng thì vui lòng xem lại vai trò của lòng tự trọng (nội dung của phần này cũng bao hàm ở mục vai trò của lòng tự trọng). Và một điều mà mình muốn nhắn nhủ đến mọi người (nhất là những người trẻ), đừng vì vẻ bề ngoài, vì sang – hèn, vì già – trẻ mà cho phép bản thân mình được xúc phạm đến lòng tự trọng của người khác. Và mình cũng mong các bậc “tiền bối” hãy hiểu cho tuổi trẻ, cũng đừng vì mình là người đi trước mà cho phép bản thân được xúc phạm tới lòng tự trọng của lớp trẻ.
Tạm thời bài viết mình xin kết thúc ở đây, hẹn gặp lại các bạn ở phần sau: Cách để rèn luyện đức tính Tự Trọng. Xin cảm ơn!